Nhận xét về bài tham luận của Thẩm phán Phan Quang Tuệ

1.  Mở bài

Bài tham luận của Thẩm phán Phan Quang Tuệ có tựa đề “Anh em xâu xé gia đình tất phải đổ” đọc tại Minnesota ngày 27-7-2012 được phổ biến dưới 2 văn bản có nội dung khác nhau. Bài trên báo Người Việt thì thiếu một số chi tiết, trong khi đó, trên Đàn Chim Việt ngày 18-8-2012, thì có nội dung đầy đủ hơn.

Căn cứ trên trang Đàn Chim Việt, trong bài viết nầy, tôi nhận xét bài tham luận dưới hai khía cạnh, khía cạnh ông Thẩm phán là một giáo sư diễn giảng, hướng dẫn và giáo dục quần chúng, khía cạnh thứ hai là trên cương vị của một quan toà làm công việc phân tích, nhận xét, đánh giá, luận tội và kết án, trong vấn đề “Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí trong đời sống quốc gia và sinh hoạt cộng đồng”.

Cả hai khía cạnh đều có nhiều điểm thiếu sót, tức là khuyết điểm và sai sót.

2* Trên khía cạnh ông là một giáo sư thuyết giảng

Ông Phan Quang Tuệ là một thẩm phán, nói về luật pháp, cho nên có thể xem như một giáo sư đang thuyết giảng, hướng dẫn và giáo dục quần chúng về ngành chuyên môn của ông.

2.1. “Anh em xâu xé gia đình tất phải đổ”

“Anh em xâu xé gia đình tất phải đổ” (A house divided against itself cannot stand-Abraham Lincoln, 1858)

Câu nầy được đưa lên đầu bài tham luận, xem như có mục đích khuyên nhủ cộng đồng người Việt ở Cali, là không nên xâu xé nhau vì sẽ đưa cộng đồng đến đổ vỡ.

Câu nói nầy của ông Abraham Lincoln, năm 1858 trước khi ông đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử năm 1860. Câu nói cách đây 154 năm, áp dụng cho xã hội Hoa Kỳ vào thời đó, thời nội chiến 4 năm từ 1861 đến 1865. Câu nói không sai, nhưng cho đến nay, nó chỉ còn là một khái niệm rất tổng quát, rất chung chung, cho nên không thể áp dụng vào những hoàn cảnh và tình huống phức tạp của ngày nay.

Trước hết, anh em người Mỹ miền Bắc và miền Nam “xâu xé” nhau trong nội chiến, nhưng gia đình không “tất phải đổ”, mà ngày nay trở thành một nước Hoa Kỳ văn minh, tiến bộ ở vị trí một siêu cường trên thế giới.

Anh em xâu xé nhau, kết quả là lẽ phải và công bằng của miền Bắc đã thắng, và chế độ chiếm hữu nô lệ đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Anh em xâu xé nhau nhưng gia đình không đổ. Đó là một cái sai.

Khuyết điểm 1. Là nhìn “gia đình” một cách phiến diện

Phiến diện là không đầy đủ, không toàn diện, chỉ thấy bề mặt bên ngoài. Nhìn phiến diện là chỉ thấy một gia đình trong đó có cha, mẹ và anh chị em, và gia đình nào cũng giống như gia đình nào, mà không thấy trong đó, có những đấu tranh gay gắt, mâu thuẫn nặng nề giữa cái tốt và cái xấu, cho thấy đó là cái nhìn của người bàng quang, đứng bên lề, và thiếu hiểu biết về một thực tế trong gia đình.

Cho một thí dụ cụ thể. Người anh cả trong gia đình có máu mê cờ bạc, có thói quen rượu chè, xì ke ma túy, đất đai tổ tiên để lại, đem bán hết lấy tiền bê tha trụy lạc. Thế là xung đột xảy ra. Đương nhiên là sự xung đột và xâu xé nhau, làm cho gia đình suy yếu, nhưng nếu lẽ phải chiến thắng, thì xây dựng được một gia đình lành mạnh, tiến bộ, như Hoa Kỳ sau nội chiến vậy.

Cũng tương tự như thế, người cha muốn có sức mạnh để cướp tài sản của các nhà hàng xóm, bắt buộc các con phải làm việc như lao động khổ sai, bao nhiêu tiền bạc đem mua mã tấu, gươm đao, mà không mua thực phẩm và áo quần. Các con phản đối, thì mời bọn du côn, du đảng về nhà trấn áp. Rõ ràng là 2 gia đình đó đang xâu xé nhau, nhưng không nhận ra bên nào tốt, bên nào xấu, như thế là hời hợt, phiến diện thiếu sâu sắc.

Ông Thẩm phán Phan Quang Tuệ mang hình ảnh cái gia đình chung chung, tổng quát vào vụ báo Người Việt với cộng đồng VN ở Cali, cho thấy, ông không thấy rõ vấn đề đang tranh chấp nói riêng, và vấn đề của người VN ở ngoài nước với chế độ độc tài Cộng Sản trong nước, nói chung. Ông không rõ lý do tại sao phải “xâu xé” nhau, không thấy rõ cái tốt và cái xấu, cái chính nghĩa vì dân tộc, và cái phi nghĩa của độc tài Cộng Sản.

Những người anh em ở Lybia, Algeria, Ai Cập và hiện nay ở Syria, họ đã và còn đang “xâu xé” nhau, mà người lương thiện, có lương tri thì đã ủng hộ và binh vực lẽ phải của người dân đòi dân chủ, tự do như HK và Liên Âu đang làm. Trái lại, bọn độc tài, những kẻ xấu như Trung Cộng, Iran, Nga thì ủng hộ chế độ tàn bạo ở đó. Việc ủng hộ phe nào, cho thấy bản chất của người đó.

2.2. Khuyết điểm 2. Là không hiểu rõ vụ báo Người Việt

Ông Thẩm phán đứng bên ngoài khuyên nhũ, anh em “xâu xé” nhau gia đình tất phải đổ. Ông chỉ thấy cộng đồng người Việt “ăn hiếp” tờ báo, mà ông cho rằng Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí là một cái quyền phải được tôn trọng.

Cộng đồng người Việt ở Mỹ không giống như cộng đồng người Nhật, người Nam Hàn, người Phi, bởi vì những cộng đồng đó không có “Nghị Quyết 36” đang vây đánh họ. Trái lại, cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản đang ở trên một mặt trận chính trị, là đang nỗ lực đấu tranh đòi Nhân Quyền cho đồng bào của mình trong nước, và cũng đang bị tay sai nằm vùng của CS đánh phá dưới mọi hình thức, công khai và hợp pháp.

Không biết nội tình của người Việt Nam là một thiếu sót. Không thấy cái chính nghĩa của cuộc đấu tranh đòi nhân quyền cho dân tộc VN là một khuyết điểm trầm trọng. Không ủng hộ, binh vực cho chính nghĩa của dân tộc là thiếu trách nhiệm.

2.3. Khuyết điểm 3. Là không đứng về phía đại nghĩa của dân tộc

Là một giáo sư diễn giảng về hai thứ tự do nói trên, mà không nêu lên việc ứng dụng các quyền tự do, là một khuyết điểm của ông thầy. Bởi vì học phải hành, hiểu biết về tự do chỉ là bước đầu, mà điều quan trọng là áp dụng, là thực hiện, mà cụ thể là phải nhấn mạnh đến những hạn chế của tự do, những lạm dụng của tự do. Không thể lấy một quan niệm, một ý tưởng làm chỉ đạo cho hành động, mà phải dựa vào luật pháp.

Luật pháp quy định những hạn chế của các quyền tự do, một mặt bảo vệ các quyền tự do cá nhân, một mặt bảo vệ lợi ích của xã hội, của quốc gia.

Bất cứ thứ tự do nào cũng có hạn chế cả. Tự do của người nầy không thể vi phạm đến danh dự, tài sản, tính mạng và tự do của người khác. Tự do không được xâm phạm thuần phong mỹ tục hay an ninh quốc gia.

Quyền tự do cũng phải được xử dụng cho đúng chỗ. Trường hợp MS Terry Jones thuộc nhà thờ Tin Lành Dove World Outreach Centre, tại Gainsville, Florida, tuyên bố sẽ đốt kinh Koran của Hồi Giáo trong ngày 11-9, làm cho cả thế giới Hồi Giáo phản đối và trả đũa, khiến cho công dân Mỹ trên khắp thế giới bị đe dọa. Chính Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Clinton, Bộ trưởng QP, Tướng Tư lịnh chiến trường Afghanistan phải lên tiếng phản đối và ngăn cản. CIA phải đến “làm việc” với MS Jones. Và Interpol cho biết, bạo động đối với kiều dân Mỹ có thể xảy ra. Hành động của MS Jones hợp pháp, nhưng có hại đến dân tộc và quyền lợi của quốc gia.

Kế đến, 5 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan đốt kinh Koran, khiến cho Tổng thống Obama phải lên tiếng xin lỗi, sau khi 12 người Mỹ bị giết.

Có ông nào dám xử dụng quyền tự do để lưu trữ hàng trăm tấm hình con nít ở truồng máy computer của mình thử coi, có được yên ổn không?

Ông Thẩm phán được báo Người Việt mời nói cho báo Người Việt, nói về việc có liên quan đến báo Người Việt ở bang Minnesota, mà ông không đá động gì tới sự lạm dụng các quyền tự do để tiếp tay với bạo quyền độc tài VC trong nước, là ông không đứng về phía đòi Nhân Quyền cho đồng bào của mình.

Dù vô tình hay cố ý, cho thấy ông không đứng về phía chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Nhiều người Mỹ đã và đang hăng hái, nhiệt tình, đòi nhân quyền cho VN, như bà DB Loretta Sanchez, DB Frank Wolf, Christopher Smith, Daniel Lungren, Joseph Pitts và nhiều dân biểu trong Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos.

Ông Thẩm phán là một cựu Sĩ Quan QLVNCH với cấp bậc trung úy, ông cũng thuộc về thành phần như chúng tôi và đa số những quân nhân khác, đã bị VC chửi bới thậm tệ, nào là “những thành phần rác rưởi, lưu manh, đĩ điếm, phản động, phản quốc, bỏ nước ra đi theo Mỹ ngụy” (Tuyên bố của Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại Giao Hà Nội)

Đến đây, tôi nhớ đến một nhà cách mạng, đấu tranh chống độc tài mà bị tù, đày đi Côn Đảo, Bác Sĩ Phan Quang Đán, thân phụ của Thẩm phán Phan Quang Tuệ. Trúc Giang tôi có nhiều dịp gặp gỡ và tiếp xúc với BS Đán, khi ông được cho ra khỏi nhà giam, đến Ty Y Tế Côn Sơn khám bịnh cho quân nhân, công chức và gia đình của họ, đồng thời cũng khám bịnh cho những phạm nhân khác. Được ra ngoài, một phần do ông tỉnh trưởng chiếu cố tù chính trị quốc gia, một phần là trưởng ty Y Tế Côn Sơn lúc đó là một cán sự y tế.

Được theo BS ra ngoài gồm có ông Trương Bảo Sơn, Phan Bá Cầm (Hoà Hảo), ông Phan Đình Nghị và Vũ Đình Lý (2 ông nhân sĩ miền Trung). Những phạm nhân khác và tôi, đều kính trọng BS Đán, là do nhân cách vượt trội của ông trong hoàn cảnh tù tội, thiếu thốn đủ thứ, nhất là thực phẩm. Có môt thời gian ông dạy Anh Văn cho tôi và người bạn là cán sự y tế, trước khi được trả tự do, sau ngày 1-11-1963.

Sau đó, ông phục vụ trong chính phủ Đệ Nhị Cộng Hoà đến những ngày sau cùng.

Tôi muốn nói Bác Sĩ Phan Quang Đán là một nhà cách mạng đã đấu tranh chống độc tài và phục vụ dân tộc nước VNCH.

Tóm lại, cái thiếu sót của một vị giáo sư thuyết giảng là không nói đến phần quan trọng của các quyền tự do, đó là sự áp dụng vào xã hội, vào cộng đồng và quốc gia. Áp dụng tức là nói đến những hạn chế và lạm dụng luật pháp.

Ông đứng bên lề tranh chấp của cộng đồng, cho thấy ông không hiểu thấu tình hình của VN, cho nên không đứng về phiá đồng bào trong việc đòi nhân quyền mà nhiều người Mỹ nói trên đã làm.

3* Nhìn bài tham luận dưới khía cạnh của một quan toà

Ở cương vị của một quan toà, người chánh án chỉ căn cứ vào những hành vi cụ thể mà bị can đã vi phạm, xem nó thuộc về bộ luật nào, chương, mục, điều nào, với tội danh gì, từ đó kết tội và tuyên án. Quan toà không thể tưởng tượng ra, không thể nêu giả thuyết, về những gì cho rằng có thể xảy ra trong tương lai để chỉ trích, cảnh cáo bị can. Về mặt pháp lý, những điều đó chưa xảy ra nên không có vi phạm nào.

Cho một ví dụ cụ thể.

Một chiếc xe ngừng lại trước mặt cảnh sát, thì người nhân viên công lực nầy chỉ căn cứ vào những gì mà người lái xe đã vi phạm và đang vi phạm, như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ và lái xe dưới tình trạng DUI (Driving Under the Influence) hoặc DWI (Driving While Intoxicated). Người cảnh sát không thể tưởng tượng ra, suy diễn ra, những hệ quả có thể sẽ xảy ra trong một tương lai nào đó, ví dụ như chạy xe như thế có thể tông vào một xe bồn đầy xăng, phát nổ ở khu vực đông người, gây thương vong cho nhiều người…rồi từ đó chỉ trích, cảnh cáo hoặc lên lớp, giảng morale cho người lái xe.

3.1. Khuyết điểm 4. Nêu những trường hợp chưa xảy ra để cảnh cáo

Trong bài tham luận, ông Thẩm phán làm công việc mà người cảnh sát tuởng tượng để cảnh cáo người lái xe. Cụ thể là những việc chưa xảy ra trong một tương lai, như là: “Sau khi báo Người Việt bị đóng cửa rồi đến phiên tờ báo nào đây? Cơ sở thương mại nào? chợ búa nào? Tiệm cà phê, hủ tiếu, tiệm phở, tiệm nail, phòng mạch nào, pharmacy nào sẽ bị dóng cửa đây?

Không có ai vi phạm một sự việc chưa bao giờ xảy ra cả. Nếu ông quan toà nêu những giả sử, tưởng tượng như thế ra để cảnh cáo quần chúng, thì chắc hẳn ông toà đó bị tửng tửng hoặc tào lao thiên đế.

Đó là một khuyết điểm.

3.2. Khuyết điểm 5. Lấy ý kiến một cá nhân gán cho tập thể

Ý kiến của 1 người trong buổi họp không phải là ý kiến của cộng đồng. Ý kiến của một dân biểu trong phiên họp không phải là quyết định của Hạ Viện, vì nó chưa được biểu quyết đồng thuận theo nguyên tắc.

Trong buổi họp ngày 25-7-2012, một ý kiến cho biết nên có một ủy ban theo dõi những bài báo phỉ báng, mạ lỵ, đánh phá VNCH. Ý kiến đó không được ai tuyên bố ủng hộ và cũng không được biểu quyết chấp thuận, thì nó cũng giống như ý kiến của người dân biểu nói trên vậy. Và không nên xem đó là ý kiến của cộng đồng, rồi căn cứ vào đó mà chỉ trích cộng đồng. Nếu muốn chỉ trích thì nên chỉ giới hạn ở một cá nhân mà thôi.

Về nguyên tắc, đó là một khuyết điểm, và càng nguy hiểm hơn nữa là “cái miệng nhà quan có gang có thép” hoặc là “khuôn vàng thước ngọc” là một lời nói rất nặng ký, được tin tưởng.

Từ một ý kiến cá nhân đó, ông thẩm phán lại liên tưởng đến, nào là “lập ban kiểm duyệt cộng đồng, lập ban kiểm soát chỉ đạo tư tưởng, quy định những điều lệ mọi người phải tuân theo như “phủ cờ, chào cờ, hát quốc ca VNCH, đặt bàn thờ tổ quốc, lập đội cảnh sát”. Ông thẩm phán, phán ra một tràng đại liên, tưởng tượng, cường điệu hoá vấn đề cho vui miệng đó thôi, chứ thật ra, không có cộng đồng nào nghĩ đến những chuyện tào lao vô lý đó cả.

Có ai bị bắt buộc phải đi hội họp không? Có ai bị bắt buộc phải tuân theo điều nầy điều nọ không? Luật pháp Hoa Kỳ còn hiệu lực và phân minh. Người Việt Nam chào cờ, hát quốc ca VN, là một bổn phận tự nguyện của người công dân.

Còn nhớ vụ chào cờ cuối cùng của người Việt miền Nam trong chiến dịch di tản Frequent Wind vào ngày 6-5-1975. Xin trích lại một đoạn như sau:

“Hạm trưởng Jacobs của chiếc Kirk kể lại: “Chính phủ Philippines không cho phép chúng tôi vào cảng Subic và đề nghị những con tàu nên trở về Việt Nam”.

Đại tá Đỗ Kiểm và ông Armitage đưa ra một giải pháp buộc Tổng thống Ferdinand Marcos phải chấp nhận. Đó là cờ VNCH được hạ xuống và trương cờ Mỹ lên, chứng tỏ những con tàu nầy là của Hoa Kỳ.

Mà thật, những con tàu nầy là của HK. Cơ sở lý luận là, trong chiến tranh, tàu HK được trao cho VNCH như là một khoản cho mượn để chống Cộng Sản, nhưng bây giờ chiến tranh kết thúc, HK thu hồi những chiếc tàu nầy trở lại.

Buổi lễ hạ cờ chính thức ngày 6-5-1975

30,000 người VN trên các con tàu bắt đầu hát quốc ca. Cờ VNCH hạ xuống trong những tiếng bật khóc. Khóc. Và khóc nức nở… Chưa bao giờ có một buổi lễ hạ cờ đầy xúc động đến như thế.

Lãnh thổ VNCH cuối cùng đã mất thật sự. Cái đau gậm nhấm khôn nguôi của người Việt miền Nam là mất nước. Những người còn lương tri thì không nên quên nỗi nhục đó.” (hết trích)

Cộng đồng không có lập “ủy ban theo dõi”, nhưng những người cảm thấy có trách nhiệm trong việc đấu tranh cho nhân quyền VN, họ tự nguyện theo dõi những biện pháp đánh phá của bọn VC nằm vùng, cho nên đã phát hiện ra những điều phỉ báng đó. Chính ông thẩm phán cũng theo dõi, nên mới biết có 2 bác sĩ là Trần Văn Tích và Nguyễn Ngọc Khôi đã nêu nhận xét về bài tham luận của ông.

Trên thực tế, sự thật là đã có NQ 36, đã có những cơ quan truyền thông phục vụ cho độc tài CS trong nước. Xin trích nguyên văn một đoạn trên tờ báo đảng CS là tờ Nhân Dân, ra ngày 14-8-2012 như sau:

“Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã có tác động quan trọng, tạo những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài. Nhân đây, chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tuần báo Viet Weekly, nơi đã công khai đăng tải những tin tức ở trong nước. Những người chủ trương Viet Weekly thuộc thành phần trẻ, họ là những nhà báo yêu sự thật, yêu tự do cho nên đã không hề nao núng trước sự biểu tình phản đối của các thành phần CCCÐ (Chống Cộng Cực Đoan) kéo dài hai tháng trời. Vừa qua, những người làm báo Viet Weekly đã được mời về nước làm phóng sự. Cùng với Viet Weekly là Radio Internet Tiếng quê hương, và không nói đến kbchn.net (khu bưu chính hải ngoại) là một bất công. Kbchn.net viết và phê bình rất thẳng thắn. Phải nói rằng, việc làm của những người làm báo này là can đảm và rất đáng khen ngợi. Ngoài ra còn có các website do Việt kiều yêu nước chủ trương như tuoixanh.net, tre.com.

Tuy nhiên, ở Mỹ hiện vẫn tồn tại một số nhóm người Mỹ gốc Việt còn nuôi mối hận thù, chống cộng cực đoan, thường xưng là “người quốc gia”, là “cờ vàng”. Thế nhưng, có một điều dị hợm là bọn CCCÐ không biết suy xét, phát ngôn bừa bãi, rất lố bịch. Theo thiển ý của chúng tôi, khi ở miền nam Việt Nam còn có hơn 500 nghìn lính Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ðại Hàn, Thái-lan… cùng đội quân đến một triệu người; rồi là các loại máy bay B.52, F.5, xe tăng, trọng pháo mà còn bỏ chạy, thì qua Mỹ tiếp tục chống cộng bằng mồm thì phỏng có làm nên trò trống gì? (hết trích)

3.3. Khuyết điểm 6. Không ai đóng cửa tờ báo Người Việt cả

Cho đến bây giờ, tờ Người Việt vẫn còn mở cửa và không có ai kêu gọi đóng cửa tờ báo nầy cả.

Báo NV đã xử dụng các quyền tự do, đã ra tay 11 lần phỉ báng VNCH, Cờ Vàng. Cộng đồng cũng đã xử dụng các quyền tự do hiến định, để bày tỏ ý kiến phản đối. Cả hai bên, không có bên nào vi phạm luật pháp cả. Vì thế, ai đó chỉ trích cộng đồng người Việt là bất công, thiên vị.

Cộng đồng đã đối thoại với báo Người Việt trong tinh thần anh em, vì nếu không, thì không có đối thoại. Ông Ngô Kỷ tuyên bố, nếu như báo Người Việt xác nhận mình là cơ quan ngôn luận của CSVN, thì ông tức khắc ngừng tất cả mọi phản đối. Cộng đồng người Việt cũng nghĩ như thế.

Hoa Kỳ có luật pháp công minh và còn hiệu lực, nên không ai có quyền đóng cửa một tờ báo nào cả.

Nói thêm về việc đóng cửa

Mục đích của sự giao dịch thương mại là phục vụ khách hàng. Có câu, khách hàng bao giờ cũng có lý cả, hoặc phương châm làm ăn là “làm vui lòng khách đến, làm vừa lòng khách đi”. Một cơ sở thương mại không phục vụ cho nhu cầu và thị hiếu của khách hàng là tự làm thiệt thòi mình.

Một ví dụ.

Ở khu vực toà tháp đôi WTC, New York, một nhà hàng của người chủ Hồi giáo, trương tấm hình của Bin Laden to tướng trước cửa, bên trong ghi những khẩu hiệu kêu gọi thánh chiến, đối với họ, đó là lý tưởng, là công lý và là một nghĩa vụ. Người chủ có quốc tịch Mỹ, được luật pháp Mỹ bảo vệ những quyền tự do, vậy thử hỏi, người Mỹ có ùn ùn kéo nhau đến đó ăn uống hay không? Nếu nhà hàng đóng cửa vì ế ẩm, thì quy trách nhiệm hay đổ tôi cho ai? Có thể đổ tội cho người Mỹ không?

Đó là chuyện của Tây. Đây là chuyện của người Việt. Trần Trường có quyền bảo vệ quan điểm chính trị của mình bằng cách treo hình Hồ Chí Minh, treo hình không phạm pháp. Khách hàng cũng có quyền bày tỏ quan điểm và tẩy chay, vẫn hợp pháp. Hai bên không ai vi phạm pháp luật cả. Và Trần Trường tự đóng cửa tiệm. Đó là sự lựa chọn. Đó là bày tỏ quan điểm chính trị không đúng chỗ nên bị thiệt thòi. Người ngoài không nên trách và đổ tội cho bên nào cả.

3.4. Khuyết điểm 7. Cắt nguồn sống của nhân viên

Ông thẩm phán đặt câu hỏi: “Nhân danh điều gì, lý tưởng nào, để cắt nguồn sống của bao gia đình?”.

Xin chứng minh.

Nếu cơ sở của Trần Trường có nhiều nhân viên, nếu “nhà hàng Hồi Giáo Bin Laden” có nhiều nhân viên, vậy khi 2 cơ sở thương mại đó đóng cửa, thì ai chịu trách nhiệm cho những nhân viên vô tôi bị mất việc, bị cắt nguồn sống?

Một ví dụ khác nữa. Một công ty đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm luật thuế, vi phạm tội rửa tiền, hoặc cung cấp tài chánh cho khủng bố quốc tế, vậy với cương vị của một quan toà, ông thẩm phán xử phạt hay là bỏ qua vì nguồn sống của hàng ngàn nhân viên vô tôi bị mất việc? Trong trường hợp đó, nhân viên vô tội trách cứ ông quan toà, trách luật pháp hay đổ tội cho việc ông chủ làm bậy?

Hai ví dụ trên trả lời câu hỏi của ông thẩm phán “Nhân danh điều gì, lý tưởng nào để cắt nguồn sống của bao gia đình?”.

4. Kết

Tóm lại, bài tham luận nói về quyền “Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí trong đời sống quốc gia và trong sinh hoạt cộng đồng” của ông thẩm phán Phan Quang Tuệ, có nhiều điểm thiếu sót, gọi là khuyết điểm, như đã trình bày ở trên. Nó không sát vào thực tế đang xảy ra trong “vụ việc báo Người Việt” cho nên đã tạo ra nghi ngờ, ông thẩm phán không công bằng trong nhận định, nói rõ ra là họ nghi ngờ ông thẩm phán binh vực cho báo Người Việt. Tôi cũng nghĩ thế.

Báo Người Việt xử dụng quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, đã đánh 11 cú vào VNCH, trái lại, cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản, cũng xử dụng các quyền tự do của mình để bày tỏ ý kiến phản đối, cả hai phía, người Việt quốc gia và “phía bên kia” không có ai phạm luật cả. Như vậy là huề.

Người có lỗi là kẻ tấn công trước, chủ động đánh phá. Nếu không phỉ báng, không mạ lỵ thì không có gì xảy ra cả. Trần Trường thiệt thòi vì bảo vệ quan điểm chính trị không đúng chỗ, mặc dù có quyền tự do. Đó là không nói đến bọn tay sai VC nằm vùng trong hàng ngũ quốc gia để đánh phá.

Trúc Giang

Minnesota ngày 31-8-2012

Anh em xâu xé gia đình tất phải đổ: http://www.danchimviet.info/archives/63725

www.vietvungvinh.com/

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment