Quảng Nam hay cãi! [hay là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”] :-) :-) :-)

Tg Lê Thứ Lang

Không biết chính xác được điểm xuất phát, nhưng suốt một dọc dài các tình Nam, Ngãi, Bình, Phú, Quảng Trị, Thừa Thiên, từ xưa đến nay vẫn hay phổ biến câu phương ngôn:

Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay co… 

Mới nghe qua “Quảng Nam hay cãi” chỉ là một câu nói vui, thực ra “nó” làm phiền dân Quảng Nam chúng tôi không phải là ít.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Trong các cuộc họp mặt nói chuyện tào lao lúc trà dư tửu hậu, hay trong các hội nghị nghiêm chỉnh có cờ xí, bục thuyết trình v.v… hễ cứ người phát biểu nói giọng Quảng Nam thì y như rằng luôn luôn bị phán một câu:

– Ối chà! Hơi đâu mà nghe thằng cha đó! Quảng Nam hay cãi mà! Bộ ông không biết sao?

Hồi mới qua Dallas đây được ít tháng, anh em tụi tôi dự định thành lập một cái hội chi đó để thỉnh thoảng gặp gỡ, an ủi, giúp đỡ nhau giữa những người cùng cảnh ngộ mới chân ướt chân ráo đến Mỹ.

Trong buổi họp sơ thảo điều lệ hội, một ông bạn tôi, người “Bắc Kỳ” 100%, nhưng vào sống ở Quảng Nam từ hồi 9, 10 tuổi, làm việc ở Quảng Nam, lấy vợ đẻ con ở Quảng Nam, thậm chí ở tù cũng Quảng Nam luôn, ông bạn này đề nghị là nên thu nguyệt liễm hay niên liễm của hội viên để hội có chút quỹ điều hành công việc lại vừa có ý nghĩa là những người đóng nguyệt liễm là hội viên chính thức của hội – Ý kiến cũng không sai quấy lắm, ấy thế mà một cadidat chủ tịch Hội, cũng là một anh Quảng Nam “Origine” phang cho một câu:

– Ối chà! Hơi sức đâu mà nghe lũy. Quảng Nam hay cãi mà! Tôi còn lạ chi.

Ác chưa! Đúng là “kê một cái tủ đứng” vô họng người phát biểu. Còn chi nữa mà “ngôn”! Nghe đâu bây giờ cái hội đó kẹt tiền. Quyên góp hoài cũng kỳ mà Mạnh Thường Quân thì cứ rơi rụng dần như lá mùa thu…cho nên hội có dự định thu tiền nguyệt liễm của hội viên. Chỉ thương hại cho ông bạn tôi, người Bắc rặt ròng, phải cái tội ở Quảng Nam lâu quá, nói giọng Quảng Nam nên bị “kết án” oan mà cũng đành chào thua, bỏ cuộc.

Hay như cụ Ảo Giản Phan Ngô, hồi còn làm nghị viên Hội Đồng Đô Thành dưới thời Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương của ông tướng râu kẽm. Cụ Phan Ngô phát biểu trong một cuộc họp Hội Đồng có ông tướng tham dự, bị ông tướng “ém” cho một câu:

– Thôi đi, dân Quảng các anh cứ “théc méc”. “Théc méc” hoài ai chịu cho nổi!

Bực quá, Phan tiên sinh “cãi” lại bằng mấy bài trên báo, ông tướng phải vội vàng công khai xin lỗi.

Rứa đó, “Quảng Nam hay cãi” nó “hành” tụi tôi không phải là ít.

“Cãi” có phải là đặc tính của người Quảng Nam không?

Cái này cũng cần phải thảo luận, nhưng theo tôi thì tùy loại “cãi”.

Tôi phân biệt hai loại cãi khác nhau mà tôi tạm đặt là “cãi tiêu cực” và “cãi tích cực”.

Cãi tiêu cực: tuy mang tiếng là tiêu cực nhưng người tham gia loại cãi này lại có thái độ cãi rất tích cực: phùng mang trợn mắt, lên tay xuống ngón, sùi bọt mép, nổi gân cổ, đỏ mặt tía tai…cãi để dành cái hơn về cho mình, không cần lẽ phải, không cần sự thật..bất cần, bất cần miễn người đối thoại câm miệng là được. Kết quả của loại cãi này là vô tích sự, không đem lại sự thật, không đem lại lẽ phải, không giải quyết được gì hết, có khi còn u đầu, sứt trán, tốn tiền thuốc, tiền “bail” – nghĩa là một kết quả rất tiêu cực nên gọi là cãi tiêu cực.

Xin nêu một ví dụ:

Tôi có ông bạn khá thân, học với nhau từ 9, 10 tuổi. Mọi mặt, hai đứa tôi đều sàn sàn như nhau: tôi thi trung học đệ nhất cấp 5 lần mới đậu, thì ông ấy thi 4 lần. Tôi mang cái lon “cánh gà” (trung sĩ) 4 năm thì ông ấy cũng 4 năm mới được 3 chữ V. Tôi được 15 chữ tiếng Anh thì ông ấy được 16 chữ. Tôi qua mỹ HO 10 thì ông ấy HO 9 trước tôi 1 tháng…đại khái là như nhau, cá mè một lứa. Chỉ khác chút xíu là ông bạn tôi có vài bà chị qua Mỹ từ năm 1975 và do đó có vài đứa cháu nghe đâu là bác sĩ, kỹ sư hay tốt nghiệp đại học Oklahoma chi đó. Ấy thế mà mọi thứ gì dính dáng đến Mỹ, ông bạn nầy nhất định phải hơn hẳn tụi tôi, chỉ bằng hoặc thua các ông tiến sĩ thực thụ đậu ở Mỹ này thôi. Ví dụ:

– Cái nào? Chiếc xe Mỹ phải không?
– Thì cái Ford 89 đó!
– Rồi! Hư bộ “sạc” đó. Mua bộ mới đi!
– Trời ơi! Tôi mua bộ sạc mới, cách đây một tuần chứ mấy!
– Ông cứ cãi. Đã không biết thì phải im nghe! Thằng cháu tôi là kỹ sư mà tôi lại không biết hơn ông sao?

Ông bạn khốn khổ của tôi đi mua một bộ “sạc” khác mới toanh, hì hục ráp vào và xe vẫn…tắc tịt. Đành kéo ra shop, tốn thêm gần 200 đồng nữa xe mới chịu nổ.

Một lần khác:

– Này, sao thằng cháu tôi bảo lãnh vợ con nó gần 4 năm rồi mà vẫn không có kết quả?
– Trời ơi! Dốt quá! một năm thôi. Đó là luật.
– Tôi chưa thấy có người nào bảo lãnh một năm mà…
– Cũng cứ cãi! Cháu tôi nó làm ở tòa đại sứ Mỹ tại Bangkok chẳng lẽ tôi không biết hơn ông à? Vợ chồng là ưu tiên 1, ông rõ chưa? Đã không biết lại hay cãi…

Một lần khác nữa:

– Này, hôm qua thằng chủ nó hỏi ai có test 1 thì đưa tay. Ông chưa qua test 1 sao đưa tay?
– Dốt quá ông ơi! Để tôi giải thích cho mà nghe. Chữ “tec” nó nói là “technician” nói tắt. Mình là technician 1 thì phải đưa tay chớ.
– Sai! Mấy thằng Mỹ làm với mình cũng là technician 1 hết sao nó không đưa tay?
– Khổ quá! Tụi nó là “trainee” thì sao nó lại đưa tay được.
– Bậy, tụi nó cũng tech 1 hết. Vào một lần với tụi mình, chính tôi coi bảng tên nó mà!
– Trơi ơi! Dốt ơi là dốt! Ông qua Mỹ sau tôi làm sao ông nghe tiếng Mỹ bằng tôi được? Lại nữa, con cháu tôi là bác sĩ, ông hiểu chưa?

Ấy, đã giở cái “chiêu” đó ra thì không hiểu cũng phải ráng mà hiểu. Còn “théc méc” vào đâu được nữa!

Nhưng trong các cuộc “thảo loạn” kiểu này mà bạn ngồi im, không có ý kiến thì cũng không được. Bạn có thể chụp mũ là khinh người, là ngạo mạn, là v.v..

Gặp loại cãi tiêu cực này, thái độ nào của bạn cũng “kẹt” hết. Chỉ có một cách “kính nhi viễn chi” là thượng sách.

Cũng may, loại “cãi tiêu cực” này thì ở đâu cũng có, chẳng riêng gì Quảng Nam. Bằng cớ: miền Bắc có từ “cãi chày cãi cối” hay cãi bựa.

Miền Nam có từ “cãi bạt mạng” hay “cãi hoảng cãi tiều”…để chỉ loại cãi ẩu này.

Cái tích cực: đây là loại cãi của những người tích cực. Những người muốn làm sáng tỏ một vấn đề, muốn bảo vệ chân lý hoặc bảo vệ những cái mình cho là đúng. Loại cãi này biểu hiện bằng nhiều cách: một ý kiến xây dựng, một bài báo ngắn, một bài tham luận dài, nhiều khi chỉ cãi bằng một thái độ, một cử chỉ không lời hoặc một câu nói bóng gió.

“Phong thái cãi” của loại cãi này thường rất tiêu cực tức là không phùng mang trợn mắt, không sùi bọt mồm bọt miếng..nhưng kết quả lại rất tích cực vì làm sáng tỏ được một vấn đề, làm nổi lên lẽ phải, tức là dùng nhiều cách để bảo vệ và phát huy chân lý.

Quảng Nam mang tiếng là hay cãi, tôi nghĩ, chính loại này. Nó thể hiện tính ngang bướng. Hay nói văn hoa, đao to búa lớn một chút: nó thể hiện tính khẳng khái bất khuất, nghe điều chướng tai, thấy điều gai mắt, không chịu được, phải bày tỏ ý kiến, dù cái chướng tai gai mắt đó xuất phát từ những kẻ có quyền thế bao nhiêu đi nữa cũng không kiên nể, e dè.

Khẳng khái bất khuất là đức tính chung của người Việt Nam từ Nam chí Bắc, nhưng loại cãi tích cực này thì ở Quảng Nam thấy rất nhiều.

Chẳng hạn bữa tiệc thịt chó của Tiểu Phủ Sứ Ông Ích Khiêm.

Cử nhân võ Ông Ích Khiêm, người làng Phong Lệ, Hòa Vang, Quảng Nam, được phong Tiểu Phủ Sứ vì có công bình định mọi Thạch Bích, Quảng Ngãi.

Là một ông quan võ ngay thẳng, cang trực, Ông Ích Khiêm bị nhiều vị ô lại trong triều đố kỵ. Nhân một dịp tất niên, Ông Ích Khiêm thết các vị đại thần một bữa tiệc thịt chó cực ngon. Toàn thợ thịt chó thứ “xịn”, nấu rất khéo, các quan ăn đã đời mà vẫn chưa biết là món gì.

No say rồi, các đại thần thân mật hỏi Ông Ích Khiêm:

– Hôm nay quan Tiểu đãi tụi tôi món gì mà ngon quá rứa?

Cụ Tiểu cười cười, nhũn nhặn thưa:

– Dạ bẩm các quan, cũng những món thường thôi!

Hỏi năm lần bảy lượt cụ Tiểu mới rụt rè đáp:

– Dạ bẩm, mâm lớn, mâm nhỏ, từ trên xuống dưới toàn là chó hết.

Các quan giận đỏ mặt.

Ông Ích Khiêm còn dặn người nhà không được mang thức uống ra. Phải đợi các quan khát đến rã họng và phải đợi gọi đến lần thứ 5, gia đình mới tà tà dâng trà giải khát. Vừa thấy người nhà mang thức uống ra, Ông Ích Khiêm lấy roi quất túi bụi, vừa quất, vừa mắng:

– Tụi bây đúng là một bầy chó, lo ăn mà chẳng lo chi NƯỚC hết.

Đó là kiểu cãi của một ông quan võ.

Còn như cụ Trần Quý Cáp.

Lúc đang làm đốc học Khánh Hòa, cụ Trần tham gia phong trào “cự xâu kháng thuế” của nông dân Nam-Ngãi-Bình-Phú cùng với các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng.

Rõ ràng là ba cụ đã tổ chức và điều hành một cuộc “cãi lộn” vĩ đại chống lại chính sách xâu thuế của thực dân Pháp và triều đình Huế chớ còn chi nữa.

Vì vậy, triều đình ra lệnh cho tuần vũ Khánh Hòa (tên Q.) điều tra thẩm vấn cụ Trần.

Q. xuất thân là một anh thông ngôn cho Pháp được quan thầy nâng đỡ bò lên làm tuần vũ Khánh Hòa, thượng cấp của Tiến Sĩ Trần Quý Cáp. Trong cuộc thẩm vấn Q. nói với cụ Trần:

– Ông coi chừng! Tôi cách cái chức Đốc Học của ông đó!

Cụ Trần cười nhạt nhưng lễ phép thưa:

– Quan lớn cách được cái đốc học của tôi chớ làm sao cách cái tiến sĩ của tôi được?

Đem cái tiến sĩ đọ với bằng thông ngôn nịnh bợ của tuần vũ Q. cụ Trần còn ngụ thêm một ý nữa: Quan lớn cách cái đốc học của tôi được, thậm chí cả mạng sống của tôi quan lớn cách luôn cũng dễ, nhưng tấm lòng của tôi đối với dân tôi, đối với nước tôi thì quan lớn, và ngay cả quan thầy của quan lớn nữa, làm sao có thể cách đi được?

Chân lý đã được phát huy bằng một câu nói ngắn, gọn, đơn giản và dễ hiểu quá chừng.

Đó kiểu cãi của một ông quan văn. Và ở Quảng Nam, một tay cãi tiêu biểu nổi danh khắp nước là nhà văn Phan Khôi, cây bút cộc trụ của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội những năm 1956-1957.

Đã có một thời, trên làng văn, làng báo từ Nam chí Bắc xuất hiện cụm từ “Lý luận Phan Khôi” để khen ngợi những bài văn, bài báo đanh thép rành mạch, khúc chiết của bất cứ người viết nào.

Cụ Phan Khôi cãi bằng những bài báo, những bài thơ, những chuyện ngắn, truyện ngụ ngôn…đủ mọi hình thức, mọi thể tài và cái vai trò “Ngự Sử trên đàn văn” của cụ đã góp phần rất lớn làm tiếng Việt thêm trong sáng, chính xác và hay ho lên nhiều lắm.

Quý vị hiện nay đang ở tuổi “cổ lai hy” chắc hẳn không thể nào quên được phong trào sùng bái, tôn thờ truyện Kiều do cụ Thượng Phạm Quỳnh chủ xuống và cổ xúy. Tập Kiều, vịnh Kiều, diễn thuyết về Kiều…thậm chí cụ Thượng Phạm còn nói một câu để đời: “Truyện Kiều còn tiếng, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn!”.

Ai chả biết truyện Kiều là một danh tác bất hủ của Văn Học Việt Nam? Nhưng hình như ý của cụ Thượng Phạm là muốn tầng lớp thanh niên trí thức hãy quên thực trạng mất nước lúc đó để chỉ lo chuyên tâm ca ngợi, sùng bái truyện Kiều mà thôi. Thâm ý đó bị cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Ngô Đức Kế cực luận rằng một cái nhà mà móng đã lún, mái dột, cột xiêu thì đem cây kiểng, non bộ, hoành phi, câu đối chưng lên, liệu có thể cứu cái nạn khỏi đổ được không? Cụ Thượng Phạm đã sử dụng một phương sách khá hay để đáp lại các bài công kích của Thanh Nghị. Đó là phương sách “vô chiêu thắng hữu chiêu”: im lặng không trả lời. Rõ ràng hai cụ Huỳnh, Ngô đã xuất chiêu đánh vào một bức tường bằng…không khí.

Đến đây, nhà văn Phan Khôi lại phải ra tay hóa giải chiêu thức vô chiêu của cụ Phạm Quỳnh, ông viết một bài nhan đề “Các nhà học phiệt” phân tích thật kỹ thái độ im lặng của cụ Thượng Phạm. Ông đưa ra hai lý do giải thích sự lặng thinh của cụ Thượng:

– Lý do thứ 1: cụ Thượng khinh cụ Huỳnh và cụ Ngô mà không thèm trả lời.
– Lý do thứ hai: cụ Thượng vì “bí” mà không trả lời được. Rồi ông phân tích thật kỹ lý do thứ nhất để dẫn tới kết luận là cụ Phạm Quỳnh không thể và không dám khinh cụ Huỳnh và Ngô, bởi lẽ, xét về mọi phương diện, cụ Thượng chỉ thua hoặc bằng hai cụ Ngô, Huỳnh mà thôi.

Cụ Phan không nói gì đến lý do thứ 2, nhưng ai đọc “Các nhà học phiệt” cũng hiểu ngay rằng sở dĩ cụ Thượng Phạm không trả lời chính vì lý do thứ 2: BÍ!

“Vô chiêu” bị hóa giải ngay. Cụ Phạm Thượng viết một bài trần tình đăng trên Nam Phong Tạp Chí và phong trào sùng bái truyện Kiều rơi dần vào quên lãng. Dư luận văn giới và báo giới từ Nam chí Bắc lúc đó đều phải đồng thanh công nhận rằng: chỉ có Phan Khôi mới đủ tài làm cho “con chuột nhắt đẻ ra trái núi”. (Vũ Ngọc Phan, nhà văn Hiện Đại)

Một vụ “cãi lộn” tuyệt vời nữa của cụ Phan Khôi, mà cho đến nay sau hơn nửa thế kỷ rồi mọi người vẫn còn nhớ mãi, đó là cuộc bút chiến nẩy lửa về Duy Tâm và Duy Vật với nhà văn CS Hải Triều Nguyễn Khoa Văn. Hải Triều, mặc dù đã tận dụng mọi thủ thuật cao cường nhất của Duy Vật biệt chứng pháp, vẫn không chống đỡ nổi lý luận chặt chẽ, vững vàng của cụ Phan Khôi, một nhà thâm Nho nhưng rất am hiểu luận lý học Tây Phương.

Rồi cụ tranh luận về thơ mới và thơ cũ giữa một bên là phái thơ Đường do thi bá Tản Đà dẫn dắt và một bên là phái thơ Mới do Thế Lữ, Lưu Trọng Lư…Cụ Phan Khôi không tham gia cuộc tranh luận này bằng những bàn nghị luận – vốn là món sở đắc của cụ, nhưng bài Tình Già của cụ làm theo thể thơ mới chính là ngón đòn quyết định đem lại toàn thắng cho thơ Mới. Vì vậy có người cho rằng Tình Già là bài thơ mới đầu tiên khai sinh phong trào thơ Mới Việt Nam.

Và vụ “cãi” cuối cùng đưa cụ Phan Khôi tới cái chết là vụ phê bình sự lãnh đạo dốt nát của đảng CSVN đối với văn học nghệ thuật miền Bắc hồi năm 1956-1957. Cụ Phan Khôi cho rằng lãnh đạo như kiểu CS thì chẳng bao lâu nữa trong vườn hoa Văn Nghệ Việt Nam ‘hằng trăm thứ hoa cúc đều nở thành cúc vạn thọ hết”. Sự thật đúng y chang như lời cụ nói. Mới đây Lê Ngọc Trà (tiến sĩ, tốt nghiệp ở Liên Xô cũ) đã lên tiếng thú nhận rằng: “Nền văn học VHCN ở Việt Nam là một nền văn học thiếu tự trọng.”

Không những chỉ “cãi” về sự lãnh đạo thô bạo của đảng đối với văn học nghệ thuật mà thôi, trái lại, rải rác trong Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu…cụ Phan Khôi còn thẳng thừng phê phán, chỉ trích sự lãnh đạo “ngu ngốc, u mê của CS Việt Nam đối với mọi sinh hoạt chính trị, xã hội của đất nước (Phê Bình lãnh đạo văn nghệ, Ông Năm Chuột, Ông Bình Vôi, Nắng Chiều v.v…)

Trong “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” cụ Phan Khôi còn thẳng thắn, công khai phản đối việc ông Xuân Diệu vừa làm ban giám khảo, vừa làm thí sinh trong “Giải Thưởng Văn Học Miền Bắc năm 1955”.
Biết chắc CS sẽ thẳng tay khủng bố, cụ Phan Khôi vẫn ngang bướng:

Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi!
Rốt cuộc, cụ bị cắt hết tem phiếu và ít lâu sau thì chết vì lạnh và thiếu ăn.

Đó, “Quảng Nam hay cãi” là như vậy.

Đây chính là một lời khen và chắc người Quảng Nam sẽ vẫn mãi mãi tự hào về tính “hay cãi” của mình. Nhất là hiện nay, tại quê nhà, đồng bào ta đang bị chi phối, đang bị cai trị bởi những nghị quyết và những luật lệ không được phép cãi, chúng ta lại cần phải trau dồi hơn nữa tính hay cãi của mình để góp phần đem lại công đạo, công lý, công bằng cho đồng bào ta, đem lại cho đồng bào ta quyền được cãi, tức là quyền được bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề liên quan đến bản thân mình và đất nước mình. Vả lại, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, “cãi” vẫn luôn luôn là một thứ vũ khí sắc bén, lợi hại mà bất cứ bạo quyền nào, dù đỏ hay xanh, dù vàng hay trắng, cũng đều phải e dè, kiêng nể uy.

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

12 Responses to Quảng Nam hay cãi! [hay là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”] :-) :-) :-)

  1. Zụ bậm môi thiến chồng, tôi không đồng ý với Bác HKBT. Con gái, phụ nữ Hà Lội chỉ giỏi cái mồm(zụ này coi bộ được???hehe), rất hỗn láo nhưng cái zụ cắt chỉ có phụ lữ miền Nam thôi. Không tin các bác kiểm tra lại trên Google xem. Tớ có một thời gian phụ trách án nên biết.
    Kính các Bác

    • nguyễn tấn hưng says:

      Đúng như bác Yến nói, chỉ sửa 1 chút, con gái gốc Hà Nội có vẻ đanh đá nhưng với chồng rất ngọt ngào, nói chuyện có vẻ dễ dãi nhưng cầm được tay họ không phải chuyện dễ dàng và một điều nữa 80% vụ cắt cái đó là miền Tây (Nam Bộ) chứ không phải cả miền Nam

      • Cảm ơn hai bác rất nhiều về những “thông tin” (tin tức) hiếm có này. Riêng bác Hưng cho tôi hỏi tiếp, nếu muốn “cầm được tay họ” thì phải làm sao? Có quá khó lắm không? Có trường nào dạy cho mình cái cách này không vậy bác? 🙂 🙂 🙂

        Khổ thiệt! Ông trời bày vẽ ra nam nữ làm chi cho rắc rối, khó khăn quá !!!

        “Kiếp sau xin chớ làm người!
        Làm cây thông đứng giữa trời cho xong!” 🙂
        (Thơ của cụ Nguyễn Công Trứ)

      • nguyễn tấn hưng says:

        Chú ý rồi phải không bác HKBT? Vụ này phải tự làm thôi ai mà giúp được, “hữu xạ tự nhiên hương”, hoàn toàn khách quan không “tự sướng” nha, bọn bạn Tây của tôi nói “Nếu lấy vợ người Việt chỉ có 2 nơi Hà Nội và Sài Gòn ” tôi cũng không hiểu tại sao bọn nó khẳng định như vậy.
        Vụ con tướng Nhanh chết là thật đó bác, tôi cứ tưởng bác đã biết rồi.

  2. “Phải ĐỒNG KHỞI thôi.

    Phải tiến hành CHIẾN TRANH NHÂN DÂN thôi.

    Bọn cs này hết thuốc chữa rồi. Phải giết chúng như giết một bầy sâu, để dân VIỆT NAM còn có cơ hội ngóc đầu lên với Thế Giới con người.” _PTOY

    ***

    Hoàn toàn đồng ý! Và cầu mong Anh Linh của tổ tiên Đại Việt phù trợ cho đ/b trong công cuộc dân chủ hóa VN này.

    Cảm ơn bác,

  3. Bác Vì Dân nhận xét tương đối chính xác. Riêng câu “Quảng Ngải hay la” thì chưa bao giờ nghe qua. Bây giờ xin nói thêm chút đỉnh về tính tình con người:

    Tính tình con người bị ảnh hưởng một phần nào bởi điều kiện địa lý thiên nhiên. Càng đi về phương Nam thì cuộc sống càng dễ dàng, cho nên con người có khuynh hướng rộng rãi, phóng khoáng. Miền Trung nhất là vùng Thừa Thiên, Quảng trị, Quảng Bình, Hà Tỉnh thì khí hậu khô cằn, đất cày lên sỏi đá, cho nên đòi hỏi một sự phấn đấu phi thường với thiên nhiên mới có được cuộc sống. Do đó, thường có cử chỉ hay thái độ ‘cứng cáp” hơn dân ở mấy tỉnh khác.

    Nói theo địa lý, thì Đà Nẳng thời VNCH là thị xã của tỉnh Quảng Nam. Người Đà Nẳng và người dân Quảng Nam đều là người cùng tỉnh. Tuy nhiên, người ở Đà Nẳng, nhờ có giao lưu rộng rãi với dân các tỉnh khác và có học hành nhiều hơn người dân ở những quận huyện chung quanh nên tiếng nói có nhẹ đi phần nào.

    Câu nói “Quảng Nam hay cãi”, nghe tưởng là câu nói chơi, nhưng nó có đúng phần nào trong đó, chứ không phải là nói chơi khơi khơi đâu.

    Còn người Bắc, thì thời trước 75 đa số là từ Hà Nội và vùng vụ cận chạy vào Nam. Phần lớn là thành phần tinh hoa của đất Bắc, cho nên vừa vào Nam là hòa nhập ngay vào cuộc sống tại miền Nam. Phần lớn là siêng năng, chịu khó, và khoái sinh hoạt văn nghệ, văn ngừng, báo chí, văn thơ. Phải công nhận, trong DNA của người dân vùng châu thổ sông Hồng có chất thơ văn trong đó. Tôi nói vậy có sai không các bác?

    Ngày nay, xã hội rách bơm, văn hóa suy đồi, thì con người đâu còn thanh lịch nữa. Đây là nói chung chung thôi chứ không có quơ đủa cả nắm đâu.

    Từ nhỏ tôi đã nghe câu này, “dữ như sư tử Hà Đông”, tại sao như vậy bác Hưng, bác Yến? Bộ phụ nữ Hà Đông dữ dằn lắm hay sao mà lại có câu nói này, các bác cho nghe ý kiến thử xem?

    • nguyễn tấn hưng says:

      “Sư tử Hà Đông” là chỉ các bà vợ dữ dằn như phụ nữ ở Hà Đông.Hehe…nhưng đây là Hà Đông bên Tàu, mấy bố nhà mình cứ tán linh tinh.

      Hốt văn Hà Đông sư tử hống
      Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên
      (Bỗng nghe sư tử Hà Đông gầm,
      chiếc gậy vung lên khiến cho mọi người ngơ ngác)
      Thơ Tô Đông Pha tặng bạn Trần Tạo (có vợ ghen)
      Chữ “Hà Đông” ám chỉ người đàn bà họ Liễu (Thơ Đỗ Phủ có câu “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu”). Còn “sư tử hống” là lời của nhà Phật biểu thị sự uy nghiêm – điều mà hàng ngày Trần Tạo vẫn tụng niệm để mong đạt tớị
      Trong tiếng Việt, thành ngữ “Sư tử Hà Đông” nhằm ám chỉ những người thuộc phái đẹp có tính ghen tuông dữ dộị .Khi nổi máu tam bành có thể làm cho các đức ông chồng kinh hồn, tán đởm, bao dũng lược của giới mày râu cũng tiêu tan thành mây khói cả.

      Lấy vợ Hà Đông quê lụa là tuyệt luôn, chiều chồng, chăm con.Chắc bác có nghe bài hát “Áo lụa Hà Đông chứ”,bác tưởng tượng con gái Hà Đông mà mặc áo lụa Hà Đông thì còn tuyệt gấp 2 lần.
      Có lần tôi đi Tô Châu (nơi sinh ra nàng Tây Thi) vì ám ảnh bởi câu thơ :”Sống trên dòng sông Danub hay chết trong lòng người đẹp Tô Châu”. Con gái vùng này đẹp nhưng còn thua nhiều vùng khác ở TQ.Nhưng con gái ở đây được ngưỡng mộ nhất TQ.Mấy thằng bạn Tàu giải thích cho tôi :” Vùng này từ ngàn xưa phụ nữ đã làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa nên tính nết thế nào do mày tưởng tượng”. Nó cười rồi giơ 1 ngón tay cái lên (number one).

      • Đây là lần đầu tiên tôi nghe một lời giải thích rành mạch về “sư tử Hà Đông” đó. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là bên Tàu có tỉnh Hà Nam, Hà Bắc (giáp ranh với Bắc Kinh) nằm hai bên hữu ngạn và tả ngạn của sông Hoàng Hà, chứ không có tỉnh nào có tên Hà Đông cả!

        Từ nhỏ tới giờ tôi cứ tưởng phụ nữ miền Bắc là dữ nhứt 🙂 (xin lỗi mấy quí dzị nữ lưu đất Bắc nào nhỡ đọc mấy dòng này), và đứng đầu bảng là vùng Hà Đông gần Hà Nội đó chứ! Không biết bác có nghe qua câu này chưa:

        Ai về Hà Nội mà coi,
        Con gái Hà Nội bậm môi thiến chồng!

        (Chắc ghen dữ quá!) 🙂 🙂 🙂

        Cảm ơn lời giải thích chi tiết của bác.

  4. Vì Dân says:

    Ngoài ra dân Quảng Ngãi có câu “Quảng Ngãi hay la” cũng chẳng sai tẹo nào.
    Dân Quảng Ngãi nói chuyện như quát vào mặt vậy. Còn những tính xấu nữa thì các bác tuyển vài người vào làm sẽ nhận thấy 🙂
    Trước giờ em đi làm nhiều nơi, gặp nhiều người, thì thấy là dân QN-ĐN cần cù học hành nhưng làm việc thì khó hợp tác, người MT ai biết tự hoàn thiện mình thì sẽ ổn rất nhanh và làm rất tốt.
    Dân Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh… thì rất chịu khó làm việc, nhẫn nhịn, nhẫn nhục tốt, có điều là như người miền Trung nhận định là…nham hiểm (bác nào dính phải thì thứ lỗi, vì đây là nói đa số chứ ko phải nói tất cả). Bởi vì họ có đặc tính nhẫn nhịn tốt nên tất cả những gì trái ý họ đều có thể giấu trong lòng, nhưng ko phải để đó rồi xóa, mà là để đó chờ cơ hội phục thù, kiểu như quân tử Tàu “quân tử 10 năm phục thù chưa muộn”. Khi đã trả thù thì rất ghê gớm chẳng còn tình người. Bởi vậy mới được gọi là nham hiểm.
    Người Bắc như Hà Nội thì em ít gặp nên ko nhận xét.
    Người miền Nam thì tính tình thật thà chất phát, phóng khoáng, nói được làm được, làm là nói…
    Nói chung sống và làm việc với người miền Nam là dễ chịu nhất.

    • Phạm Thị Oanh Yến says:

      Tớ dân Bắc kỳ cục, hehe nhưng lại rất cà chớn!
      Thấy Bác Vì Dân xuất hiện lại trên Tin Hôm Nay zui wé. Năm mới người quen gặp lại đông đủ zui zẻ, mừng wé.
      Các Bác chuẩn bị ăn mừng vì năm nay sẽ có nhiều tin zui.
      Mở hàng đầu năm đã có dân Nghệ phá tan một công ty, kế đó là sự kiện Bác Vương ở Tiên Lãng, Hải Phòng và kế tiếp là sự kiện nhà Giám đốc CA Thái Nguyên bị đặt bom.
      2012 TINVUI THẮNG LỢI KHẮP MỌI NHÀ.
      Phải ĐỒNG KHỞI thôi.
      Phải tiến hành CHIẾN TRANH NHÂN DÂN thôi. Bọn cs này hết thuốc chữa rồi. Phải giết chúng như giết một bầy sâu, để dân VIỆT NAM còn có cơ hội ngóc đầu lên với Thế Giới con người.
      Kính các Bác

  5. Vì Dân says:

    Thật ra thì đúng là dân Quảng Nam chính gốc thì đa số là cãi tiêu cực cả. Có câu “Dốt hay ăn thua, ngu thờ bảo thủ”. Chính bảo thủ làm con người ta cãi chày cãi cối, mà như bài viết trên gọi là cãi tiêu cực. Nếu tuyển một người dân Quảng Nam vào thì có 2 đặc tính khó làm việc nhất là tính tự ái cực kỳ cao và tính ưa cãi thì vô đối. Dân Đà Nẵng thì cũng có 2 tính đó nhưng ít hơn nhiều, có lẽ hơn các vùng khác một tí.
    Một số trường hợp khác thì ngoài cãi tiêu cực còn hay xách mé (giống ví dụ về ông Ông Ích Khiêm ở trên). Hồi trước làm việc ở miền Nam em ít gặp kiểu xách mé này, chứ làm việc với dân Miền Trung thì hay gặp lắm. Nói văn vẻ thì gọi là chửi bóng gió.
    Ko phải vì em là dân MT thì phải bảo vệ dân MT. Khách quan thì thấy gì nói nấy. Những người dân MT có thâm niên kinh nghiệm, và cũng gọi là có IQ chút (IQ thật chứ ko phải như IQ kiểu như ông Trần Tiến Cảnh) thì đều nhận định như vậy.
    Ngay cả công nhân xây dựng mà dân MT thì 2 đặc tính kia cũng thể hiện rất rõ: kỹ sư yêu cầu làm thì ko chịu làm, cứ cãi là ko được, ko tốt, ko đúng, chỉ khi người kỹ sư một là giải thích, hai là quyết đoán yêu cầu làm thì mới đi làm, thứ đến nữa là nếu làm sai mà bị la mắng tí là sẵn sàng nghỉ việc bất chấp hậu quả (đặc tính tự ái cao). Chính em cũng ko thích tuyển dụng người miền Trung làm cấp dưới. Hơi cực đoan tí nhưng với 2 đặc tính xấu kia (thêm cái xách mé nữa) thì cực kỳ khó làm việc. Từ 2 đặc tính kia dẫn đến người miền Trung rất khó hợp tác làm việc nhóm.
    Nếu các bác ko tin thì cứ thử tuyển vài nhân viên người miền Trung là biết ngay (dưới 30 tuổi sẽ thể hiện rõ ràng hơn)
    Tác giả bài viết trên cũng thuộc loại cãi tiêu cực chứ chẳng hay ho gì. Sau một hồi nói vòng vèo thì cuối cùng lộ ra ý đồ là thanh minh thanh nga cho tính xấu hay cãi của dân Quảng Nam như đoạn trích “nó thể hiện tính khẳng khái bất khuất, nghe điều chướng tai, thấy điều gai mắt, không chịu được, phải bày tỏ ý kiến, dù cái chướng tai gai mắt đó xuất phát từ những kẻ có quyền thế bao nhiêu đi nữa cũng không kiên nể, e dè”. Thật ra nói đó là tính bướng mới chính xác vì nó cản trở công việc, tranh luận rất nhiều.
    Riêng em thì cũng chẳng có gì giận bác HKBT. Chẳng qua là tranh luận mà ko được thì thôi, chứ còn lớn tiếng thì em tạch. Em luôn đứng trên quan điểm khách quan để tranh luận với đầy đủ bằng chứng, dẫn chứng (chứ ko bao giờ tranh luận mà nói suông, nếu nói suông thì sẽ lâm vào trường hợp ngụy biện ngay). Nếu ai có thể đưa ra bằng chứng, dẫn chứng thuyết phục hơn thì em sẵn sàng tiếp thu.

  6. nguyễn tấn hưng says:

    Công ty tôi có bác phụ trách hành chính là tiêu biểu. Nhiều lúc tôi điên tiết định quát cho một trận nhưng nghĩ tới câu “Quảng Nôm hay cãi ” là hết giận liền,hehe…Mỗi vùng có một đặc điểm riêng thế mới “đậm đà bản sắc ” chứ. Ai cũng giống ai như xã hội Bắc Hàn thì sống làm gì còn ý nghĩa.Có một thằng em (ở Sài Gòn lâu rồi) bảo tôi : Dân Quảng Nam bọn em có thể làm ăn chung với tất cả các tỉnh, cãi với cả nước chỉ thua bọn…Quảng Nôm thôi.
    Vì Dân có đọc còm này đừng giận nhé. Sorry chú ở Đà Nẵng không phải Quảng Nam. VD đang giận bác HKBT vụ “tiếng Việt” đó nên không thèm còm nữa (tuy vẫn đọc bài,thậm chí còn chăm hơn). Hai người bắt tay nhau cái coi, kẻo người ta lại nói “Quảng Nam hay cãi”

Leave a reply to Phạm Thị Oanh Yến Cancel reply